Một thời du học với cơm chan nước mắt

Tháng đầu tiên sang Singapore du học, mắt hai đứa tôi cứ xoáy vào nồi cơm còn đầy ự mà không ai thèm động đến... "Xin một bát cơm thôi? Không sao đâu". Mắt tôi muốn nhòa lệ. Ở nhà ăn trắng mặc trơn thì không ở? Sang đây lại có ý nghĩ đi xin cơm người...
> Thi viết 'Tôi có thể'

Tôi sinh ra trong một gia đình trung lưu. Ba là giảng viên đại học, mẹ làm ở một nhà xuất bản danh tiếng. Tôi có một cuộc sống khá yên bình, phẳng lặng và không mấy ước mơ khi tôi còn nhỏ.

Mẹ là người đã mang đến những giấc mơ cho tôi. Ngày tôi hết THCS, mẹ bắt đầu nghĩ đến chuyện cho tôi đi du học. Lúc đấy, du học đối với tôi là một điều gì đấy vô cùng xa vời. Tôi không nghĩ nhà tôi đủ giàu để cho tôi đi học tự túc và lực học của tôi cũng không phải rất giỏi để có thể giành được học bổng toàn phần. Tư tưởng du học cũng chỉ là một ý nghĩ thoáng qua trong đầu. Tôi những tưởng mẹ cũng đã quên.

Khi tôi hoàn thành xong kỳ thi đại học, cũng là lúc mẹ nói: "Mẹ muốn con được tiếp thu với nền văn hóa mới. Cóc ngồi đáy giếng tưởng mình giỏi giang chứ so với thế giới, mình bình thường lắm con ạ. Ba mẹ sẽ cố cho con". Vậy là tôi bỏ đại học sau một thời gian nhập học và bắt đầu những chuỗi ngày tự lập...

Cầm 3.000 đôla trong tay, tôi lên máy bay với giấc mơ... tìm kiếm một chân trời mới. Vậy mà tôi như rơi từ thiên đường xuống đất. Khi sang đến nơi, anh học trò của ba tôi ra đón rồi đưa tôi về hostel mà bạn tôi (sang trước) đã liên hệ giúp. Đến nơi, người ta nói hết phòng cho 4 người rồi. Còn phòng cho 2 người thôi, 800 đôla một tháng. Tôi chết lặng cả người. 800 đôla? Tính tiền Việt lúc đấy là gần 8 triệu.

Ở nhà, tôi chưa từng một lần cầm một triệu đồng đi tiêu, đừng nói tới 8 triệu... Tôi đi theo dạng tự túc nên phải tự tìm nhà chứ không như dạng học bổng. Và lúc đấy, gần 7 năm về trước, người Việt ở đây chưa nhiều nên tôi cũng không biết nhờ vả ai.

Tôi ngồi thừ ra, hỏi thế nào người ta cũng nói hết phòng. Anh bạn tôi nói, về tạm chỗ anh ở, mấy hôm nữa anh ấy tìm nhà giúp. Mấy hôm nữa? Anh còn ở đây có gần một tuần nữa thôi, mấy hôm nữa là hôm nào? Nhưng tôi chẳng có cách nào khác, thì đi đã... Tôi tin tưởng anh hơn là người khác... Tôi dợm chân bước đi, người ta lại đon đả gọi lại: "Ồ, có một phòng 4 người rồi..." Thế là tôi biết, mình bị bắt chẹt. Những giờ đầu tiên tôi ở Singapore.

Cuộc sống bắt đầu từ cái hostel đấy. Tháng đầu tiên là lúc tôi thấy mình chơi vơi nhất. Anh bạn tôi sau một tuần tôi sang, chào tạm biệt để bắt đầu cuộc sống nơi khác. Tôi, một mình, sống trong cái hostel mà xung quanh tôi là những kẻ thích chơi nhiều hơn học. Đàn đúm, hội hè... khắp nới sặc mùi khói thuốc. Tôi thất vọng.

Do hostel đấy gần trung tâm nên thứ gì cũng đắt đỏ. Ăn chẳng dám ăn, đi đâu thì cũng cố mà đi bộ để đỡ tiền đi xe buýt. Ở gần chỗ tôi, một bữa ăn hết hơn 3 đôla mà chỉ có một ít thịt và rau. Bạn tôi học ở gần Simei nói, thức ăn ở đấy rẻ lắm, chỉ 2 đô rưỡi thôi. Thế là tôi và một người bạn nữa bắt đầu công cuộc ngồi đếm thời gian mỗi chiều đi học về để chờ 2 đô rưỡi cơm.

Chúng tôi ăn ngấu ăn nghiến, ăn như chưa bao giờ có thức ăn ngon như thế. Nhưng ăn xong rồi thì vẫn... đói. Nhìn mấy đứa ngồi ăn ở hostel (nơi cũng có đồ ăn nhưng đắt và chỉ dành cho những người đóng tiền ăn theo tháng), chúng nó được ăn cơm thỏa thích. Mắt hai đứa tôi cứ xoáy vào cái nồi cơm còn đầy ự mà không ai thèm động đến...

"Xin một bát cơm thôi? Không sao đâu..." Mắt tôi muốn nhòa lệ... Ở nhà ăn trắng mặc trơn thì không ở? Sang đây lại có ý nghĩ đi xin cơm người... Cái tính tự tin, sự kiêu ngạo làm chúng tôi vác bụng đói đi ngủ... Nước mắt lưng tròng, nhớ nhà.

Tháng tiếp theo, chúng tôi lục đục tìm đường thoát thân khỏi cái địa ngục khiếp đảm ấy. Tìm vội tìm vàng rồi cũng chuyển được sang nhà mới. Vừa yên phận thì bắt đầu băn khoăn: "Trung tâm du học đã đăng ký cho tôi vào trường nào nhỉ?" Vì trước khi đi, họ nói sẽ gửi hồ sơ của tôi vào trường cao đẳng và sẽ thông báo cho tôi biết sau khi có kết quả nhập học.

Sự chờ đợi của tôi cũng chỉ có giới hạn khi gần 3 tháng học tiếng Anh, trung tâm vẫn không thông báo gì. Tôi nhờ mẹ tôi đi hỏi, người ta nói "quên nộp hồ sơ". Trời, tôi muốn phát điên lên. Đúng là đem con bỏ chợ... Thời gian nộp hồ sơ lúc này cũng sắp hết, tôi cuống cuồng đi nộp khắp nơi. Thời gian đó tôi rơi vào khủng hoảng... Không có trường học thì sao? Về ư? Không thể. Đã sang đây, tôi sẽ phải tiếp tục chiến đấu...

Tôi tiếp tục khóa tiếng Anh của mình và cũng tiếp tục đi tìm hiểu về một số trường tư khác. Tôi nhận được trả lời của trường Cao đẳng gọi đi thi. Tôi lại bắt đầu hỏi ý kiến của những người đi trước. Cùng ba năm học, vào cao đẳng thì ra trường cũng chỉ có bằng cao đẳng, vào Đại học ở trường tư thì sẽ có bằng đại học. Vậy là tôi bỏ thi cao đẳng, theo học kế toán của một trường danh tiếng xứ sở sương mù.

Những tưởng mọi thứ sẽ ổn. Vậy mà không... Thầy dạy môn xã hội của tôi người Ai Len, giảng một hồi tôi vẫn không biết... thầy nói gì. Tôi chật vật với lý thuyết của Weber, Mark (giống học triết học ở nhà). Học mấy môn ấy bằng tiếng Việt tôi cũng muốn ngất chứ nói gì đến việc học bằng thứ tiếng tôi nghe chưa thủng, nói chẳng xuôi lời.

Vậy là một ngày tôi tham gia hai lớp xã hội, một ban ngày, một ban tối... Cứ như vậy, gần một năm, trừ cuối tuần, sáng ngồi lớp học, chiều ngồi thư viện, tối ngồi lớp học. Tôi chỉ ở nhà khi ngủ. Tôi sợ trượt phải đợi năm sau mới được thi lại thì tôi sẽ phải tốn tiền thêm cho một năm nữa... Trời cũng không phụ tôi, tôi chăm chỉ học và tôi cũng vượt qua năm thứ nhất một cách khó khăn.

Năm tiếp theo, gia đình tôi lâm vào khủng hoảng tài chính. Mẹ tôi dù có cố nhịn ăn nhịn mặc, nhịn mua đồ cũng vẫn không đủ để nuôi đứa con ăn một tháng bằng tiền ăn của cả nhà. Tôi lại... khủng hoảng. Trong ba tháng hè, tôi có đi làm giúp ở công ty một cô chú người Việt kiều nên cũng đỡ đần phần nào. Nhưng còn tiền học? Tôi đi làm không lo đủ. Tim tôi như bị bóp nghẹt với ý nghĩ tôi sẽ phải quay về.

Mẹ lo lắng, thương tôi... rồi ba mẹ cũng đi vay đủ để tôi đóng tiền học. Tôi thấy đau đớn vô cùng. Vì tôi, vì ước mơ của ba mẹ, vì tương lai sáng ngời của tôi mà cả gia đình phải dè xẻn từng đồng. Điều đấy đã thúc bách tôi. Tôi phải học, phải ra trường, phải kiếm đủ tiền để ba mẹ tôi không còn phải dè xẻn nữa... Tôi phải làm được điều đấy...

Năm thứ hai đai học, tôi đi bộ nhiều hơn, ngồi ở trường nhiều hơn để giảm tiền điện ở nhà. Tôi ăn nhiều mỳ gói hơn và bữa tối tôi ăn bánh quy, uống nước lọc thay cơm. Được cái, tôi cũng khỏe mạnh và thời trước cũng hơi béo nên bạn bè tưởng tôi trong thời kỳ... giảm cân! Ai hiểu sao cũng được, miễn sao tôi... không tiêu nhiều tiền.

Hơn 3 năm học đại học trôi qua với đủ nỗi niềm. Giờ tôi đang ngồi trong văn phòng của riêng tôi, bàn làm việc rộng rãi. Ngày đi làm, tối đi học thêm tiếp.

Suy ngẫm lại, tôi thấy mình nghị lực. Cuộc sống của tôi không quá khó khăn như những bạn sinh ra nơi vùng quê nghèo khó, nhưng tôi có nỗi niềm của riêng mình. Nỗi niềm của những bát cơm chan nước mắt lúc nhớ nhà... Nỗi niềm của những tiếng nấc đêm 30 Tết không có bánh Chưng, không có gia đình bên cạnh... chỉ có tôi và bốn bức tường, bạn bè đã về hết cả... Nỗi niềm của đứa trẻ vốn được cưng nựng ở nhà giờ phải đối với những toan tính bộn bề, với cuộc sống không thiếu sự cám dỗ, với những ngôn ngữ bất đồng...

Chăm chỉ, nghị lực đã giúp tôi có được ngày hôm nay. Tôi biết, tôi đã làm được điều mà ba mẹ tôi hằng mong ước. Tháng ngày của khó khăn đã trôi qua. Tôi thầm cám ơn tôi đã có đủ cam đảm để không khóc lóc, không thở than những bữa đói xanh mắt, tôi cám ơn ba mẹ tôi đã cho tôi tất cả tình yêu, cuộc sống và cả một tương lại rộng mở...
Nhưng giờ tôi hiểu, tôi không thể đền đáp công lao của ba mẹ tôi bằng những gì tôi "kiếm" được ngày hôm nay. Tôi chỉ có thể đền đáp bằng một cuộc sống hạnh phúc và đầy đủ... đấy mới là giá trị làm ba mẹ tôi hạnh phúc.

Con sẽ lại vững bước trên đường đời và mang trong mình niềm tin. Con làm được, con sẽ vượt qua mọi khó khăn... Con sẽ vững bước.

P/S: Gửi đến ba mẹ những dòng trên... Những điều ba mẹ chưa bao giờ biết...

Gửi những bạn có ý định đi du học qua trung tâm: Tôi nghĩ, dù các trung tâm bây giờ chắc sẽ có uy tín hơn rất nhiều so với 7 năm trước nhưng tôi thành thật khuyên các bạn nên tìm hiểu một cách kỹ lưỡng để không gặp phải những khó khăn như tôi những năm về trước.

babi |
thoi trang tre em |
quan ao tre em